VOV.VN - Với địa hình chủ yếu là đồi dốc, đất sỏi cằn cỗi, xã Đăk Gằn là vùng khô hạn nhất của tỉnh Đắk Nông. Vượt qua khó khăn, người dân đã tích cực học hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây công nghiệp và chuyển đổi trồng cây ăn quả để ổn định cuộc sống, phấn đấu thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới.
Trong căn nhà xây ấm áp, anh Y Huốt, ở bon Đăk Gân, xã Đăk Gằn, huyện Đăk Mil, tỉnh Đắk Nông, phấn khởi cho biết, năm vừa qua thời tiết mưa nhiều, thuận lợi cho việc làm lúa, làm cà phê của bà con. Nhờ chăm chỉ học hỏi cách làm ăn, gia đình anh đã có thu nhập ổn định, sắm sửa một số phương tiện máy móc phục vụ sinh hoạt, sản xuất và cho 2 con ăn học đầy đủ.
"Gia đình tôi có 3 sào ruộng lúa, năng suất 40 bao/vụ, cũng đủ ăn. Ngoài ra còn có 2ha cà phê, năm vừa rồi thu được 5 tấn nhân. Gia đình chúng tôi cố gắng làm ăn để phát triển kinh tế gia đình, đầu tư phân bón, chăm sóc cây trồng để năm sau có nguồn thu tốt hơn", anh Y Huốt nói.
Ở khu vực giáp ranh giữa Đăk Mil với Cư Jút, nơi chủ yếu là đồi dốc cao, đất sỏi cằn cỗi, xã Đăk Gằn có thể nói là vùng khô hạn nhất của tỉnh Đắk Nông. Ông Y Krớt, trưởng bon Đăk Sra, xã Đăk Gằn, cho biết, để giúp người dân ổn định cuộc sống, đội ngũ khuyến nông các cấp thường xuyên tập huấn hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Đặc biệt là việc phối hợp với ban tự quản các thôn, bon, bản theo dõi điều tiết nước từ hồ Đôry (xã Đăk Rla) về dọc suối Đăk Gằn để nhân dân bơm tưới chống hạn trong mùa khô.
"Cái khó khăn của bà con là do đất sói mòn, trồng cà phê thì không đủ nước tưới, trồng xoài thì phụ thuộc giá thị trường, bắp, đậu trồng cũng khó. Nhưng so với ngày xưa thì bây giờ cuộc sống cũng đỡ hơn, không đến nỗi thiếu ăn thiếu mặc. Và nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ của nhà nước, bà con cũng có sự cố gắng, chia sẻ cùng nhau, vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư sản xuất, từ đó cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn", ông Y Krớt cho biết thêm.
Theo ông Y Hơn, Phó Chủ tịch HĐND xã Đăk Gằn, toàn xã có 15 thôn, bon, bản với 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, gần một nửa dân số là người dân tộc thiểu số. Cùng với hơn 1800ha cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu, cao su), bà con các dân tộc trong xã đã phát triển diện tích cây ăn quả được khoảng 1400ha. Đặc biệt là với diện tích xoài gần 600ha, Đăk Gằn được UBND tỉnh Đắk Nông quy hoạch thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng đến trồng xoài phục vụ xuất khẩu.
Chuyển đổi cây trồng thích ứng với đất đai khí hậu, kinh tế xã hội của Đăk Gằn ngày càng phát triển. Đến hết năm 2022, toàn xã còn 68 hộ nghèo (tỷ lệ 3%) và 234 hộ cận nghèo (tỷ lệ 10,5%). Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 43 triệu đồng.
Ông Y Hơn khẳng định, không ngừng cố gắng vượt lên những khó khăn nơi vùng khô cằn, bà con các dân tộc ở Đăk Gằn đang chung sức cùng Nhà nước phấn đấu thực hiện thành công 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới: "Bà con bon làng luôn đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, phát triển kinh tế gia đình ổn định. Bà con cùng nhau chia sẻ cách làm ăn, áp dụng khoa học kĩ thuật vào trồng cà phê, cao su, xoài để đảm bảo năng suất, chất lượng. Bà con cũng hưởng ứng chung sức cùng với chính quyền phấn đấu năm 2023 xã Đăk Gằn xây dựng thành công xã nông thôn mới của huyện Đăk Mil".
Hiện tỉnh Đắk Nông đã quy hoạch xây dựng Hồ thủy lợi Đắk Gang trên địa bàn 2 huyện Đắk Mil và Cư Jút, nơi người dân Đăk Gằn sẽ được hưởng lợi. Đây là công trình đầu mối cấp II đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng số vốn gần 1.000 tỷ đồng, cung cấp nước tưới cho khoảng 2000 ha cây trồng. Những tín hiệu vui trong năm tới giúp người dân Đăk Gằn có thêm nhiều động lực mới để phát triển kinh tế xã hội ngày càng ấm no hạnh phúc./.